Học mặc quần áo là một phần quan trọng trong quá trình lớn lên và phát triển tính tự lập của bé. Hãy cho bé luôn có cơ hội hợp tác với bạn khi mặc quần áo, như vậy sẽ giúp bé trở nên độc lập dễ dàng hơn. Đừng quên khích lệ bé chuyển sang những kỹ năng mới, bất kể bé đang ở độ tuổi nào. Thời điểm mỗi kỹ năng đạt được có thể là khác nhau vài tháng, nhưng dù những kỹ năng đạt được sớm hay muộn, quy trình thường giống nhau.
Quy trình phát triển những kỹ năng mặc quần áo của bé.
Năm đầu tiên
Trước 10 tháng tuổi: Có thể tập làm quen với quy trình mặc quần áo. Giúp bé kéo chân ra khỏi quần hoặc kéo cánh tay ra khỏi ống tay áo.
Trẻ từ 10 đến 12 tháng tuổi: Bé hợp tác bằng cách đưa cánh tay vào ống tay áo và chân vào quần. Bé có thể nâng bàn chân lên khi đưa giày đến gần.
Trẻ 12 tháng: Có thể cởi giày nếu bạn tháo lỏng dây giày.
Năm thứ hai
Trẻ 13 tháng tuổi: Cứng cổ khi áo được kéo qua đầu.
Trẻ 16 tháng tuổi: Cởi mũ và vớ một cách tự ý.
Trẻ 18 tháng tuổi: Có thể đội mũ, mở khóa kéo và mở nút áo.
Trẻ 18 đến 24 tháng tuổi: Có thể cởi quần áo mà không cần đến sự trợ giúp của bất cứ ai.
Trẻ 24 tháng tuổi: Bé có thể mang giày mà chỉ cần một ít trợ giúp thôi. Đây là lúc tập cho bé mở những nút lớn. Có thể bắt đầu cởi quần dài mà không cần bạn giúp nữa. Vài tháng sau, bạn sẽ giúp bé mặc quần vào. Đây là thời điểm bạn cần bắt đầu dạy cho bé vệ sinh cá nhân.
Năm thứ 3
Từ 26 – 30 tháng tuổi: Bé đã biết cởi nhiều loại quần áo, giày, mũ mà chỉ cần một ít sự trợ giúp thôi.
Từ 30 tháng tuổi: Bé có thể treo quần áo lên móc khi bạn yêu cầu.
Từ 30 – 36 tháng: Tháo những nút áo lớn và đã biết tự mặc quần áo. Nhưng bé vẫn có thể cần đến sự trợ giúp để phân biệt mặt trước hoặc sau và giúp thắt dây nịt.
Trẻ lớn hơn 3 tuổi
Bé bắt đầu hoàn thiện những kỹ năng đã học được trước đây. Trẻ 4 tuổi có thể gài những nút nhỏ và học buộc dây giày. Khoảng 6 tuổi, bé đã buộc được dây giày. Trước 6 tuổi, nên cho bé mang giày có khóa dán để bé có thể tự mang dễ dàng hơn.
Khi nào để trẻ tự chọn và tự mặc quần áo?
Theo các chuyên gia tâm lý, tuổi thích hợp nhất để dạy cho bé tự mặc quần áo là khi bé hơn hai tuổi. Bởi chẳng bao lâu nữa bé sẽ trải qua giai đoạn “khủng hoảng ba tuổi”, cái gì cũng muốn tự làm nhưng vẫn chưa làm được. Để tự mặc quần áo thành thạo, bé cần học cách sử dụng tay mình tốt, học cách chú ý, tính kiên trì, biết quan sát.
Bạn cũng không nên cứng nhắc về độ tuổi bắt đầu hướng dẫn bé những kỹ năng này, vì cũng như tất cả những sự phát triển thể chất, tinh thần khác, ở mỗi bé có một nhịp độ riêng. Nếu bé đã ngoài ba tuổi, về nguyên tắc, bé hoàn toàn có thể học cách đi tất (vớ), đi giày, mặc quần, cởi áo phông hoặc áo sơmi và thậm chí mở được cả phécmơtuya. Tới bốn tuổi, bé có thể mặc áo len hoặc áo sơ mi và cởi cúc áo to, tự cởi hoặc mặc toàn bộ quần áo dưới sự quan sát của bố mẹ.
Nếu bé đã bốn tuổi, nhưng không tự mặc quần áo và không thể hiện một ý muốn nào, thì có thể là bé đã không được cho phép thể hiện tính tự lập khi bé rất muốn. Đừng mắng bé và đừng làm bé xấu hổ, hãy công nhận thành công của bé, hãy giúp bé trong những trường hợp thực sự khó, nhưng tuyệt đối không nên làm thay bé.
Các kỹ năng cần phát triển để tự mặc quần áo
Có rất nhiều kỹ năng mà trẻ cần phát triển khi tự mặc quần áo, Emily Austin thuộc bệnh viện Ann & Robert Lurie Children’s Hospital (Mỹ) cho biết. Những kỹ năng này bao gồm:
Kỹ năng vận động thô: nâng tay và chân để mặc quần áo, giữ thăng bằng để tháo giày và cởi quần.
Kỹ năng vận động tinh: dùng ngón tay để thực hiện các thao tác nhỏ (kéo khóa, cài cúc, …)
Khả năng nhận thức: hiểu được trình tự mặc quần áo và biết cách ăn mặc phù hợp với nhiệt độ và thời tiết.
Những lời khuyên cho mẹ
Hãy kiên nhẫn
Những em bé mới bắt đầu học cách tự mặc quần áo, làm việc này rất chậm. Nếu vì chuyện mặc quần áo có thể tới trường bị trễ, bạn cũng không nên giục bé, mà tốt nhất hai mẹ con nên bắt đầu sửa soạn sớm hơn một chút. Một điều kiện quan trọng – hãy cho bé đủ thời gian cần thiết.
Nếu bé không muốn tự mặc quần áo, từ từ hướng bé tới việc này, chỉ xỏ tất (vớ) cho bé hoặc đút tay vào cánh áo. Lúc đầu đề nghị bé cởi những thứ dễ cởi trước, rồi sau đó mới dạy cách mặc. Hãy giải thích cho bé khi mặc các kiểu áo chui, thì nên chui đầu vào chứ không phải chui mặt vào. Chỉ cho bé xem cởi cúc áo cổ như thế nào. Tất (vớ) có thể cho bé tập đi loại cỡ to, của bố hoặc của mẹ. Hãy theo dõi để cho phần gót đúng và các ngón chân sít vào nhau. Sau khi luyện một thời gian thì cho bé tập đi loại tất to hơn chân bé một cỡ nhưng có chun chặt. Bé sẽ dễ tự đi hơn, nhanh hơn.
Hãy giải thích cho bé để dễ mặc quần thì nên ngồi vào mép giường hay ghế sô fa và không duỗi chân thẳng ra sớm. Bạn hãy nói cho bé biết khi đi giày hai chiếc giày phải là “bạn của nhau”, nhìn sang nhau chứ không phải quay mũi về hai phía.
Đừng có phàn nàn về chuyện ăn mặc của bé khi bé tự mặc quần áo: để áo ở ngoài không được nhét vào quần, mặc quần xộc xệch về một bên, một chiếc cúc cài không đúng lỗ… Bé đã tự mặc quần áo, điều này mới là điều quan trọng nhất lúc này và đáng tự hào biết bao!
Vừa học vừa chơi
Trò chơi, sự phát triển trí tuệ và thu nhận những kỹ năng mới là những quá trình liên quan không tách rời. Hãy dạy bé kỹ năng tự mặc quần áo qua các trò chơi!
Hãy cùng làm với bé một quyển sách theo chủ đề “quần áo”. Tìm trong những tạp chí cũ các kiểu quần áo và xếp theo thứ tự cần mặc. Lúc đầu mặc quần trước, rồi đi giày vào, sau đó mới mặc áo và áo khoác. Đừng quên giày và quần áo – hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Lặp đi lặp lại tên gọi các đồ mặc để bé không nhầm. Chơi với bé trò chơi “biểu diễn thời trang”, “mặc thử quần áo” hoặc “tiệm may”.
Hãy nghĩ những kiểu chơi khác nhau để bé có thể luyện được. Bé cần được tập nhiều lần để luyện kỹ năng. Bạn có thể chơi cùng bé trò “mặc quần áo cho búp bê”. Bạn nên mua cho bé những đồ chơi thích hợp khác, để thông qua đó giúp bé củng cố kỹ năng vừa học được. Đó có thể là sách có dây buộc, thú nhồi bông có quần áo, miếng vải cứng được đính cúc sẵn, miếng băng dính, dây thắt…
Những đồ bé yêu thích
Bé đã lớn rồi, váy đã nhỏ, nhưng bé cứ muốn mặc nó mãi. Mẹ phải làm gì đây! Đề nghị bé tặng quà cho bạn búp bê hay chú gấu bông và hai mẹ con cùng mặc cho nó. Với những bộ quần áo nhỏ nhưng quen thuộc khó chia tay được có thể nhường cho những em bé cần tới chúng hoặc em trai hay em gái nhỏ?
Một sai lầm lớn của cha mẹ là tự ý vứt quần áo cũ của bé đi mà không có sự đồng ý của bé. Các em nhỏ có những suy nghĩ và tình cảm đặc biệt với những đồ này (vì chính chúng ta đã dạy cho các em cần phải giữ gìn đồ chơi). Bé có thể rất buồn và lo lắng cho số phận của chiếc áo hay cái quần của mình. Dĩ nhiên, nếu bé không phản đối thì không có vấn đề gì. Nếu xảy ra mâu thuẫn, hãy tìm cách giải quyết. Hãy cất quần áo đi chỗ khác, để không thấy được, nếu bé hỏi, thì nói “Mẹ thấy ở đâu đó. Tìm sau cũng được…”.
Con không mặc cái này!
Vì sao trẻ em thường xuyên từ chối mặc bộ đồ này hay bộ đồ khác?
Thứ nhất, nhìn đẹp nhưng có thể không tiện. Bạn hãy kiểm tra xem ở mặt trái có những đường may thô không, có mác chà vào da bé không, dây chun có chật không và cổ áo có làm bé khó chịu không. Một số em rất nhạy cảm: một chiếc áo len, rất đẹp, nhưng khi mặc vào bé có cảm giác như bị đâm vào da – hoàn toàn không phải là bé đang làm nũng đâu nhé!
Hơn nữa các em bé thường có những sở thích riêng nhất định của mình, không nên coi thường chuyện này: bé thích, vì không chỉ mặc được, mà còn chơi được. Bạn đừng giận, nếu bé làm nũng và không muốn mặc quần áo mới, nếu khóc vì bộ quần áo yêu thích đã chật. Hãy tìm những giải pháp hợp lý cho những vấn đề này.
Đừng để bé tự mặc quần áo một mình. Bé sẽ khó học cách tự mặc quần áo không có sự giúp đỡ của bạn. Cố gắng dạy bé theo trình tự, chú ý đặc biệt tới từng thứ một: sau khi biết rõ cách mặc áo mới học mặc quần… Nếu vì lí do thời tiết bạn nhất quyết muốn bé phải mặc một loại quần áo nào đó, hãy cho bé được lựa chọn mặc đồ màu xanh hay màu vàng, loại có phéc mơ tuya thay vì loại có cúc bấm… Khi được tự lựa chọn bé sẽ dễ dàng chấp nhận những đề nghị của mẹ hơn. Và điều này đúng không chỉ với việc hướng dẫn bé tự mặc quần áo đâu, bạn nhé!
Bình luận