Tinh tinh lùn biết khen khi ăn ngon, cá heo biết xưng tên hay voi biết tiếng Hàn Quốc là những minh chứng động vật cũng có ngôn ngữ riêng.
Tinh tinh lùn biết khen khi ăn ngon, cá heo biết xưng tên hay voi biết tiếng Hàn Quốc là những minh chứng động vật cũng có ngôn ngữ riêng.
1. Khỉ Titi biết sử dụng trật tự gần giống câu nói
Khỉ Titi có cách thức báo động cho nhau khi phát hiện có kẻ săn mồi. Tùy theo từng tình huống cụ thể mà cách thức này sẽ thay đổi để thông báo vị trí nơi kẻ săn mồi đang ẩn nấp, dưới mặt đất hay trên trời.
Những tiếng kêu phát ra theo một trật tự nhất định, gần giống với cấu trúc ngôn ngữ của con người. Các nhà khoa học ghi nhận đó là “một hệ thống ngôn ngữ có quy tắc của một loài động vật không phải con người có hàm chứa thông tin chi tiết và chính xác”.
2. Cá heo biết gọi tên nhau
Cá heo giao tiếp bằng tiếng “huýt” đặc trưng, bao gồm những thông tin như giới tính, độ tuổi, tình trạng sức khỏe … Nghiên cứu cho thấy cá heo có khả năng bắt chước tiếng kêu của một con khác khi nó muốn kết bạn với riêng con cá heo kia.
3. Khỉ đột có thể học ngôn ngữ ký hiệu
Khỉ đột trong tự nhiên có những cách giao tiếp riêng rất cụ thể, thông qua tiếng gọi, cử chỉ, vỗ tay và nhiều cách khác nữa. Trong môi trường nuôi nhốt, khỉ đột có thể được dạy cách giao tiếp với con người bằng ngôn ngữ ký hiệu.
Một con khỉ đột tên là Koko, do tổ chức The Gorilla Foundation chăm sóc, có vốn từ vựng bằng ngôn ngữ ký hiệu trên 1.000 từ theo đúng tiêu chuẩn ngôn ngữ ký hiệu Mỹ (ASL). Koko còn tự nghĩ ra một số ký hiệu khác không được dạy, vốn là ký hiệu ASL nhưng được Koko biến đổi nên được các nhà khoa học gọi là Ngôn ngữ ký hiệu khỉ đột (GSL).
4. Voi biết nói tiếng Hàn Quốc
Một con voi châu Á giống đực tên Koshik có khả năng bắt chước tiếng nói của con người. Vốn từ của Koshik cho đến thời điểm này gồm có năm từ: annyong (xin chào), anja (ngồi xuống), aniya (không), nuo (nằm xuống), và choah (tốt).
Một số từ là những mệnh lệnh mà ban đầu Koshik đã học để thực hiện theo, như “nằm xuống” và “ngồi xuống”, các từ còn lại Koshih học được từ những người mà nó tiếp xúc sau đó.
Nhóm nghiên cứu tin rằng Koshik thật sự hiểu được ý nghĩa của những từ nó nói.
5. Tinh tinh biết diễn đạt ý nghĩ
Loài tinh tinh giao tiếp qua những cử chỉ đầy biểu cảm, những âm thanh và cả ngôn ngữ ký hiệu để truyền đạt đúng thông điệp của chúng. Cách thức giao tiếp này diễn ra theo trật tự, có thể được đối chiếu với cấu trúc ngôn ngữ của con người. Có rất nhiều sự trùng khớp giữa các cử chỉ của tinh tinh và của con người như xô đẩy, chặn ngang và đá chân trong các trò chơi của tinh tinh.
6. Vẹt không chỉ biết bắt chước tiếng người
Vẹt không chỉ có khả năng bắt chước giọng con người một cách máy móc, không suy nghĩ. Theo các nhà nghiên cứu, vẹt có khả năng hiểu được ý nghĩa của những từ nhất định.
Những chú vẹt đã được dạy nói có thể báo cho người chủ biết được món ăn ưa thích cũng như món ăn nào chúng thấy không ngon.
7. Đười ươi biết diễn kịch câm
Đười ươi có thể dùng cơ thể mình để diễn xuất với độ chi tiết đến khó tin. Điều này mở ra một thế giới hết sức phong phú về ngôn ngữ của loài vật mà chúng ta chưa từng tin là có thật.
8. Cá voi lưng gù chia sẻ các điệu nhạc và bí quyết
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa giải mã được hết các giai điệu, âm thanh của cá voi.
Cá voi có những âm thanh phân biệt dùng trong việc kết bạn, kiếm ăn hay các hoạt động khác. Chúng không chỉ học thuộc các giai điệu của nhau, mà còn học được cả cách thức kiếm ăn, hay chống lại những ảnh hưởng của biến đổi sinh thái.
9. Sóc đồng cỏ có giọng nói riêng
Các nhà nghiên cứu quan sát sóc đồng cỏ (tên gọi khác là cầy thảo nguyên) và các loài gặm nhấm khác và phát hiện ra rằng mọi con sóc đồng cỏ đều có chất giọng riêng đặc trưng.
Sự khác nhau trong “giọng nói” của loài gặm nhấm cũng tương tự với con người. Có những con có giọng cao, cũng có những con giọng trầm, có thanh sắc riêng, cách nhấn giọng riêng.
10. Tinh tinh lùn bonobo thấy sao nói vậy
Loài bonobo thường hét to những gì chúng nghĩ về đồ ăn, đó là những tiếng cảm thán nghe tương tự tiếng của con người như là “ngon quá” hay “ghê quá”. Điều này được phát hiện khi các nhà nghiên cứu cho bonobo ăn thử các loại thức ăn khác nhau. Nho khô nhận được nhiều lời tán thưởng từ các chú tinh tinh lùn, còn ớt chuông bị chê là “gớm”.
Lạc Uyên (Theo Discovery)
Bình luận