Tạo thói quen không trì hoãn ở trẻ

Tạo thói quen không trì hoãn ở trẻ

Phát triển, Tiểu học
Giới thiệu cho bạn bè :

“Để mai con học”, “để lát con làm…” là câu nói cửa miệng thường hay gặp ở trẻ. Nhưng việc luôn trì hoãn công việc khi được giao lâu dần sẽ hình thành thói quen bê trễ và khi lớn lên, trẻ cũng khó thành công trong công việc. Hãy cùng giúp trẻ xoá bỏ thói quen này đi nhé bạn.

Chị Hoàng Oanh (Q.Gò Vấp) cho biết: “Con trai mình năm nay học lớp 3, nhưng ham chơi lắm, lúc nào cũng chỉ mê chơi game với xem tivi. Mỗi lần giục con đi học bài đến là khổ, nhất là những ngày cuối tuần. Tối thứ 6 mình muốn con học bài luôn cho xong thì nó bảo: “Mai thứ bảy nghỉ mà mẹ”. Thứ bảy giục nó, nó nói: “Mai chủ nhật rồi con học”. Chủ nhật giục thì nó bảo: “Để tối ạ”. Cứ thế rồi đến tối lúc chơi xong mệt và buồn ngủ thì thét ầm lên khóc là bài nhiều quá, chưa học xong!”

Chị Oanh thở dài cho biết thêm: “Nhiều lần bực quá cũng cho vài roi, cứ tưởng lần sau nó sẽ nhớ và chừa nhưng vẫn chứng nào tật nấy. Không biết làm sao với nó nữa!”

Còn chị Thùy Linh (Q.3) có cô con gái 12 tuổi, chị bảo: “Con gái lớn tướng thế chứ chả nhờ vả được cái gì. Bảo đi quét nhà hay đi phơi quần áo hộ thì cứ “Để lát nữa con làm”, giục giã mấy lần cứ thấy dạ, vâng rồi vẫn ngồi ì ra. Nhiều lúc bận bực quá thế là quát lên, còn lúc rảnh thì thôi, làm luôn cho xong, nói mãi mệt cả người!”

Không chỉ chị Oanh và chị Linh, mà hầu hết các bậc phụ huynh cũng thường rất hay gặp những tình huống như vậy. Đôi khi nhờ vả con hay nhắc nhở con học bài, phụ làm việc này việc kia, rồi bận rộn quá nên các bậc phụ huynh cũng không thúc ép con làm ngay. Đôi khi còn làm hộ con luôn cho xong. Hoặc có người bực con quá thì cho con vài roi. Nếu không làm cho con thay đổi, lâu dần sẽ hình thành thói quen thích trì hoãn công việc của trẻ, khi lớn lên, trẻ sẽ khó thành công trong công việc cũng như cuộc sống. Việc khất lần hay trì hoãn công việc sẽ đánh mất đi những cơ hội tốt cho bản thân chúng trong tương lai.

Trì hoãn công việc sẽ đánh mất đi những cơ hội tốt của bản thân trẻ trong tương lai.

Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng không nên quá lo lắng bởi đây vốn là một hiện tượng khá bình thường ở lứa tuổi này vì trẻ vẫn còn ham chơi. Và việc xem tivi, chơi game,… sẽ thú vị hơn nhiều so với việc phải làm việc gì đó cho ba mẹ hay học bài.

Thạc sỹ Tâm lý Phan Trịnh Hoàng Dạ Thy – Giảng viên trường ĐH Hoa Sen TP.HCM đã đưa ra một vài gợi ý để các bậc phụ huynh giúp con mình dần thay đổi thói quen này:

  • Trước hết, nên tạo cho trẻ một thói quen sinh hoạt khoa học và có kế hoạch bằng cách dạy cho trẻ biết cách lập thời khoá biểu sinh hoạt hằng ngày. Điều này sẽ giúp trẻ hình thành thói quen và ý thức cụ thể hơn về trách nhiệm của mình.

  • Khi giao việc cho trẻ, các bậc phụ huynh cũng nên ngồi xuống cùng trẻ để thảo ra những bước cần làm, thời gian hoàn thành và cho trẻ biết bạn sẽ thường xuyên kiểm tra để thấy con hoàn thành công việc như thế nào cũng như sẵn sàng tặng cho con những lời khích lệ hay món quà nhỏ vì việc con đã làm tốt.

  • Với trường hợp những trẻ hay đưa ra “cớ lý sự” để trì hoãn công việc sang một thời gian khác thì khi yêu cầu trẻ làm việc gì, thay vì bạn nói một cách chung chung là “Lau dọn phòng của con đi”, bạn nên xé nhỏ công việc để con dễ thực hiện cũng như kèm theo đó một thái độ ôn hoà khi yêu cầu trẻ như: “Mẹ nghĩ con chỉ cần xếp lại quần áo trong tủ, dọn dẹp giá sách, dọn thùng rác và lau sàn nhà là phòng của con sẽ đẹp hơn rồi”.

  • Nếu trẻ trì hoãn đến phút cuối mới chịu làm, bạn không nên vội vàng làm giúp con, hay la mắng con. Thay vào đó, hãy để yên cho trẻ thực hiện nốt công việc của mình và cho trẻ nhận thấy hậu quả của việc mình trì hoãn công việc, ví dụ như không làm bài tập hôm qua nên hôm nay mới vội và không hoàn thành tốt. Qua đó, bạn sẽ chỉ cho trẻ thấy lỗi lầm của mình.

  • Trong trường hợp, nếu trẻ có thái độ khó chịu hay phản ứng ngược lại một cách dữ dội, bạn không nên ép trẻ mà hãy cho trẻ biết lần này bạn sẽ hỗ trợ trẻ nhưng sau đó bạn cần trẻ cho mình biết lý do không chịu thực hiện, ví dụ con không chịu đi làm bài tập vì nó khó quá. Qua việc trò chuyện này cùng con, bạn sẽ biết lý do của sự trì hoãn công việc của con và có cách giúp con vượt qua những lý do này như giảng bài giúp con chẳng hạn!

Hạnh Phan

Bình Luận

comments

Bình luận

comment-avatar

*