Trò chơi giúp bé phát triển tư duy

Trò chơi giúp bé phát triển tư duy

Mẫu giáo, Phát triển
Giới thiệu cho bạn bè :

Từ 2 đến 4 tuổi là thời điểm quan trọng để phát triển khả năng tư duy cho trẻ. Thông qua các trò chơi, cha mẹ có thể giúp bé rèn luyện tư duy một cách hệ thống, giúp bé tự tin, có nhu cầu giao tiếp và ý thức tốt hơn về bản thân. Dưới đây là một số trò chơi cho bé để các bậc phụ huynh tham khảo.

Tìm đồ vật cất giấu

Mẹ hãy giấu những món đồ chơi mà bé yêu thích như búp bê, xe hơi… nhưng cố tình để cho bé thấy bạn để chỗ nào. Sau đó mẹ nói “Ô, đồ chơi đâu rồi, con tìm đi nào!”. Nếu bé không chịu đi tìm, mẹ có thể hé ½ món đồ chơi để bé thấy rồi tiếp tục khuyến khích bé đi tìm. Khi bé đã quen, mẹ tập kéo dài sự chú ý của bé bằng cách giấu hai hay ba món đồ một lúc.

Mẹ có thể thử sự nhanh trí của bé thông qua tiếng động của đồ vật cất giấu. Bằng cách chỉ che một phần đồ vật đó rồi làm cho nó kêu lên rồi bảo bé đi tìm. Khi bé đã quen, hãy giấu hoàn toàn món đồ chơi, chỉ gây tiếng động và lại bảo bé đi tìm. Mẹ nhớ chúc mừng khi bé tìm được đồ chơi của mình nhé.

Phân biệt hai đồ vật khác nhau

Mẹ chuẩn bị 10 cái kẹo, 10 quả bóng nhựa nhỏ, 1 lọ đựng kẹo, 1 giỏ đựng bóng. Bỏ kẹo và bóng lẫn vào nhau. Sau đó mẹ bỏ bóng và kẹo vào lọ và giỏ, vừa làm mẹ vừa nói với bé: “Bỏ bóng vào giỏ nè, bỏ kẹo vào lọ nè… ”. Sau đó mẹ đưa bóng và kẹo cho bé rồi yêu cầu bé bỏ đúng chỗ. Lúc đầu bé chưa quen có thể bỏ nhầm giữa kẹo và bóng, nhưng qua nhiều lần bé sẽ làm tốt hơn. Mẹ hãy kiên trì nhé.

Một trò chơi đơn giản khác, mẹ có thể để những vật dụng khác nhau trước mặt bé như bút, sách, ly, hộp nhựa… rồi yêu cầu bé đưa cho mình. “Con đưa cho mẹ cuốn sách nhé. Con đưa cho mẹ cái ly nhé… ” và mẹ chỉ nhận lấy khi bé đưa đúng đồ vật yêu cầu.

Nhận biết màu sắc

tro-choi-giup-be-phat-trien-tu-duy

Chọn những khối hình vuông, tròn, tam giác hoặc những quả bóng có màu sắc khác nhau, xếp chúng cạnh nhau. Sau đó mẹ bảo bé đưa cho mình những vật có màu sắc theo yêu cầu. Tương tự, bỏ tất cả các con vật, đồ vật vào một cái rổ, che kín rồi yêu cầu bé mở ra và tìm cho bạn những quả bóng màu xanh, quả cam màu vàng, chiếc xe màu đỏ, búp bê mặc váy hồng…

Mẹ cũng có thể chuẩn bị một số hình khối nhiều màu sắc và hướng dẫn bé cách sắp xếp chúng theo từng nhóm màu. Hoặc đề nghị bé tìm giúp và sắp xếp những chiếc tất có màu giống nhau. Mẹ sẽ rất vui khi bé dần nhận thức được các màu sắc cơ bản thông qua quá trình “tự giải quyết vấn đề”.

Nhận biết âm thanh

Mẹ dùng máy ghi âm nhỏ thu lại những âm thanh trong cuộc sống hàng ngày như tiếng còi xe, tiếng cười, tiếng trẻ khóc, tiếng chuông cửa, điện thoại reo, tiếng nước chảy, tiếng đồng hồ tích tắc, tiếng chó sủa… Sau đó mẹ cho bé nghe lại và xem bé nhận ra bao nhiêu âm thanh. Mẹ cần giải thích rõ những âm thanh bé chưa biết, sau đó cho bé nghe lại và nhắc lại âm thanh đó. Trò chơi này sẽ giúp bé liên kết âm thanh trong thế giới của mình.

Trò chơi đối lập

Trò chơi này giúp bé hiểu hơn về những từ ngữ, việc làm, sự vật… trái nghĩa, đối lập nhau. Mẹ có thể chọn mua những cuốn sách có ghi chú đối lập như đồ vật lớn, nhỏ, thấp, cao, dài ngắn… để cùng trao đổi với con. Sau đó mẹ có thể chuẩn bị giấy bút, mẹ vẽ vòng tròn lớn và yêu cầu con vẽ vòng tròn nhỏ. Mẹ vẽ một đường dài và yêu cầu con vẽ một đường ngắn hơn. Ngoài ra mẹ có thể dạy con biết thêm bề điều này thông qua trò chơi đố chữ nói ngược. Ví dụ mẹ nói “cao” và đố con tìm từ trái ngược. Một số cặp từ gợi ý cho mẹ là “nóng – lạnh”, “trắng – đen”, “dài – ngắn”, “tốt – xấu”, “khỏe – yếu”…

Khi áp dụng những trò chơi này, mẹ nên tạo ra hứng thú và say mê cho bé. Nếu bé chưa làm được ngay, mẹ nên góp ý nhẹ nhàng và khuyến khích chứ không la mắng, Như vậy sẽ tạo thêm hứng thú cho bé. Ngoài ra không nên áp đặt trẻ, bắt trẻ làm theo một khuôn mẫu định sẵn sẽ không có tác dụng. Để con tự lý giải, trình bày và bảo vệ chính kiến của mình sẽ giúp bé sáng tạo và tự tin hơn.

Theo Ebe

Bình Luận

comments

Bình luận

comment-avatar

*